TỔNG KẾT GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG MUA BÁN, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

Mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là một hoạt động đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường thế giới nhưng lại mới du nhập vào Việt Nam chưa tròn 10 năm. Sự phát triển của thị trường này là một yêu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới. Mặc dù hiện nay, hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng những cơ sở pháp lý và nền tảng về kiến thức cho sự phát triển của thị trường này ở trong nước lại rất hạn chế. Chính vì thế, đề tài này đã tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và thực trạng hoạt động của thị trường này ở Việt Nam để có cơ sở đề ra các giải pháp phát triển thị trường này trong tương lai. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài có những kết luận như sau:
Mua lại doanh nghiệp là một hoạt động mà công ty này đi mua lại một công ty khác, kết quả là công ty bị mua lại trở thành công ty con hoặc chi nhánh của công ty đi mua. Sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động hai hoặc nhiều công ty sáp nhập lại với nhau để trở thành một công ty có qui mô lớn hơn và các công ty sáp nhập chấm dứt hoạt động. Sự xuất hiện của hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp là một sự tất yếu của sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế đất nước vào nền kinh tế thế giới. Quá trình thực hiện một hoạt động mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là một quá trình rất phức tạp, trãi qua rất nhiều khâu: xác định mục tiêu thực hiện, xác định công ty mục tiêu, định giá doanh nghiệp và đàm phán và cuối cùng là quá trình hợp nhất sau khi tiến hành mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, với sự biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh của thị trường M&A trên toàn cầu, đặc biệt là trong những năm 2006 và 2007. Sự phát triển phức tạp và đa dạng của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới đã giúp cho các doanh nghiệp trong nước rút ra được 10 bài học kinh nghiệm.
Riêng đối với thị trường mua lại sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam, thì nó phát triển khá nhanh trong điều kiện còn rất nhiều khoảng trống về pháp lý cũng như những kiến thức cơ bản cho cả đối với các chủ thể tham gia và quản lý hoạt động này. Sự phát triển mạnh của thị trường này trong thời gian vừa qua ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thiết của các doanh nghiệp trong việc muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở hầu hết các khía cạnh từ tài chính đến quản trị và cả đối với kỹ thuật, công nghệ,… Việc tham gia thực hiện các vụ M&A của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua được xem như là một bước chuẩn bị đối phó với môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên khắt nghiệt và sự chuyển giai đoạn của nền kinh tế toàn cầu từ phát triển mạnh đến giai đoạn suy thoái. Mặc dù thị trường M&A Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng nó cũng có những đặc tính riêng của nó. Điểm nổi bật nhất là hầu hết các vụ M&A đều có yếu tố nước ngoài và đều mang tính thân thiện, các doanh nghiệp tìm đến với mua chủ yếu là để làm cổ đông chiến lược cho nhau nhằm nâng cao năng lực cho chính mình và cả đối tác để cùng nhau phát triển, chưa xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như thông qua M&A để thâu tóm và hoặc giành quyền kiểm soát khống chế đối với công ty khác. Tuy nhiên với cơ chế hoạt động và quản lý như hiện nay thì thị trường này tiềm ẩn rất nhiều vấn đề tiêu cực tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp như đánh mất thương hiệu, bị thâu tóm bởi doanh nghiệp khác và xuất hiện độc quyền trong nền kinh tế. Những vấn đề hạn chế lớn nhất đối với sự phát triển của thị trường mua lại và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về hoạt động M&A của doanh nghiệp và cả đối với cơ quan quản lý, hay sự thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin, chưa hình thành hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường cũng như là việc lựa chọn phương pháp định giá giá trị doanh nghiệp cho phù hợp.
Trước thực tế sự phát triển của thị trường M&A là tất yếu và tiềm năng phát triển thị trường này trong tương lai gần cũng như về lâu dài là rất lớn thì các giải pháp được ưu tiên thực hiện trước để nhằm giúp cho thị trường này được phát triển ổn định và bền vững đó là:
–  Xây dựng một hành lang pháp lý cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
–  Xây dựng một thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao. Trong đó cần chú trọng việc công bố thông tin một cách minh bạch; chú trọng công tác đào tạo để nâng cao trình độ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý; tạo điều kiện phát triển các công ty tư vấn chuyên nghiệp cho hoạt động M&A.
–  Các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng đáng được quan tâm như: doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu thực hiện M&A, cần phân tích kỹ về đối tác trong giao dịch M&A để tránh bị thâu tóm và cần thận trọng trong quá trình đàm phán. Việc doanh nghiệp lựa chọn phương pháp định giá doanh nghiệp phù hợp cũng là một vấn đề hết sức quan trọng góp phần tạo nên sự thành công hay thất bại của một vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.
Tóm lại, mua lại và sáp nhập doanh nghiệp là những quá trình kéo dài với nhiều công việc khá phức tạp nên doanh nghiệp tham gia cần có sự chuẩn bị kỹ từ bản thân và sự hỗ trợ từ các công ty tư vấn chuyên nghiệp để đạt được sự thành công cho một hoạt động tốn nhiều chi phí này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bồn tắm bê tông - Sang trọng hiện đại và tiện dụng

Dịch vụ mài sàn bê tông công nghiệp tại Vietbeton.com

Những loại Vang trắng Pháp được ưa chuộng nhất hiện nay